Cuộc “đổ bộ” mới của vốn ngoại
Khi thị trường có dấu hiệu hồi phục cũng là lúc các dòng vốn ngoại nhận thấy tiềm năng để nhanh tay mua bán, sáp nhập cũng như đầu tư vào các điểm “vàng” tại VN.
Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) đã mua Khách sạn Legend Hotel Saigon với số tiền hơn 62 triệu USD
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào VN là hoàn toàn dễ hiểu. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn nguồn tiền nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản, giúp giải quyết lượng hàng tồn kho và lâu dài thị trường bất động sản về hồi phục.
Cơ hội từ vốn ngoại
Còn nhớ đầu năm 2013, quỹ đầu tư Warburg Pincus - chủ chuỗi thương mại cao cấp Neiman Marcus đã làm giới đầu tư VN xôn xao khi quyết định đầu tư 200 triệu USD vào mô hình bán lẻ mới của Vingroup. Khi chưa hết ngạc nhiên thì Quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản công bố đầu tư 37 triệu USD vào Cty bất động sản Sơn Kim Land.
Chỉ riêng nửa đầu năm 2013, thị trường bất động sản VN đã chứng kiến một số giao dịch đáng nể như : Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại Cao ốc văn phòng Centre Point với hơn 52 triệu USD hay Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ mua Cao ốc văn phòng Gemadept với giá trị khoảng 45 triệu USD. Gần đây nhất, Tập đoàn ALMA của Israel lại gây bất ngờ khi công bố sẽ đầu tư hơn 300 triệu USD xây dựng khu nghỉ dưỡng Bãi Rồng tại Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa. Dự án sẽ có 200 biệt thự và 400 căn hộ tương đương với hơn 30.000 đơn vị kì nghỉ mỗi năm. Chủ đầu tư cũng hé lộ, dự án đã được phê duyệt với UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý. Sau khi được cấp phép xây dựng, dự án sẽ triển khai từ năm 2014 và hoàn thành trong năm 2018.
Là một đơn vị tư vấn, ông Adam Bury - Phó giám đốc Bộ phận thị trường vốn CBRE Vietnam cho rằng, nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm đến thị trường BĐS để nắm bắt những cơ hội trở lại. Trong những tháng cuối năm 2013, dự báo thị trường bất động sản VN sẽ đón nhận lượng lớn nhà đầu tư mới.
Và những cảnh báo
Theo công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2013 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 400 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,969 tỉ USD. Đứng thứ hai và gây bất ngờ là thị trường BĐS, chỉ tính riêng tháng 9 nhà đầu tư nước ngoài đã tăng thêm là 588,11 triệu USD vào thị trường BĐS VN, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều này được xem là một bất ngờ nếu so với tình hình thị trường BĐS trong nước vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Là một nhà đầu tư mới của phân khúc bất động sản VN, khi được hỏi, ông David Leibel - chủ tịch Alma cho rằng, thị trường bất động sản VN sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực. “Khi mà suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh thì thị trường bất động sản VN có dấu hiệu “chạm đáy” và đang trên đà hồi phục. Điều này mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận” - Ông David cho biết.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, VN đang sở hữu tháp dân số lý tưởng từ năm 2008 đến 2035 với số lượng dân số trong độ tuổi lao động vượt mức dân số phụ thuộc; GDP được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan và tình hình chính trị ổn định cũng là một lợi thế không nhỏ so với các nước khác. “Hơn thế nữa trên thị trường đang hiện hữu nhiều cơ hội đầu tư, điều này sẽ giúp thúc đẩy tính hiệu quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập. Đặc biệt với lợi thế huy động vốn sẵn có, các nhà đầu tư nước ngoài càng dễ dàng nắm bắt các cơ hội này” - ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills VN cho biết.
Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Xây dựng cũng không quên cảnh báo: “Rào cản lớn nhất đối với dòng vốn ngoại chính là tính minh bạch của thị trường bất động sản VN còn thấp, và nếu các vấn đề khác của thị trường như thẩm định giá, cơ cấu hợp tác đầu tư... không được giải quyết, thì vẫn sẽ có nhà đầu tư