Xung quanh vụ lùm xùm tại dự án Gateway Thảo Điền: Cần cái kết có hậu!

Thứ 5, 14 Tháng 01, 2016

(CLO) Suốt hai tháng qua, hàng loạt các báo tham gia phản ánh những bất cập xung quanh việc thu hồi 675,7m² đất để thực hiện dự án Gateway Thảo Điền. Phía chủ đầu tư cho rằng đã được chính quyền giao đất nên tiến hành triển khai, còn các hộ dân lại phản kháng vì việc thu hồi đất có bất cập và chưa đền bù thỏa đáng. Vậy đâu là sự thật khách quan?

Để rộng đường dư luận, phóng viên Congluan online đã vào cuộc tìm hiểu vấn đề.

 
Dự án Gateway Thảo Điền đã bắt đầu triển khai phần móng

Căn cứ pháp lý của việc thu hồi?

Theo hồ sơ thu thập khách quan cho thấy dự án Khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại – Văn phòng và Căn hộ tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM (sau này đổi tên thành Gateway Thảo Điền) đã được các cấp thẩm quyền của thành phố chấp thuận phê duyệt dự án và giao đất với diện tích 10.943,7m² cho Công ty CP Bất động sản Sơn Kim để thực hiện dự án.

Với diện tích trên, Sơn Kim đã chủ động thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 6/7 trường hợp với diện tích 9.580,2 m²đất. Trong đó, chỉ còn lại duy nhất 1 trường hợp hộ gia đình bà Nguyễn Thị Trường (gồm 9 hộ dân với diện tích 675,7m²) là chưa đồng thuận, và vẫn còn tranh chấp bởi chưa thỏa thuận được mức giá bồi thường.

Riêng trường hợp này, UBND quận 2 đã có Quyết định thu hồi 675,7m² đất để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện dự án vì cho rằng đây là trường hợp đất thuộc diện Nhà nước thu hồi.

Tuy nhiên vấn đề này đã gặp phải sự phản đối của hộ gia đình bà Trường và các hộ dân còn lại vì cho rằng dự án của Cty Sơn Kim không nằm trong trường hợp được Nhà nước thu hồi đất, mà Cty Sơn Kim phải tự thỏa thuận bồi thường với người dân, chính vì vậy nên đã có khiếu nại gửi đến các cơ quan quan chức năng trong đó có Thủ Tướng Chính phủ.

 
Quyết định thu hồi đất của Quận 2 đã gặp phải sự phản đối của các hộ dân

Theo đó, ngày 27/6/2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4711 truyền đạt ý kiến của Thủ Tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND TP.HCM kiểm tra khiếu nại tố cáo nêu trên.

Trả lời vấn đề này, trong báo cáo số 4585 ngày 29/11/2012 gửi lên Thủ tướng Chính phủ của Bộ TN&MT nêu rõ: “Dự án của Công ty Sơn Kim không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 2, Điều 34, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Cơ sở mà Bộ TN&MT đưa ra là dự án trên tuy được UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2009 nhưng chưa được xét duyệt bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của phường Thảo Điền và quận 2. Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Bắc Xa lộ Hà Nội cũng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt (mới có nhiệm vụ quy hoạch được duyệt). Do vậy, Bộ TN&MT kết luận rằng dự án của công ty Sơn Kim không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định nói trên.

Dựa trên kiến nghị của Bộ TN&MT, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP.HCM giải quyết vụ việc theo hướng: Giao UBND quận 2 thu hồi Quyết định số 13672 về việc thu hồi 675,7m² đất của các hộ dân đang bị ảnh hưởng. Đồng thời, Công ty Kim Sơn phải có trách nhiệm thỏa thuận với người dân để chuyển nhượng quyền sử dụng 675,7 m² đất nhằm tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Ngay lập tức, Ông Nguyễn Hữu Tín Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có văn bản ngày 16/7/2013 chỉ đạo UBND quận 2 thực hiện theo chỉ đạo nêu trên.

Tuy nhiên sau đó UBND quận 2 đã có kiến nghị gửi UBND thành phố nêu rõ quan điểm về việc áp dụng các văn bản pháp luật để thu hồi đất là đúng qui định pháp luật theo thời điểm ban hành. Nên kiến nghị UBND thành phố kiến nghị lên Thủ Tướng Chính phủ về vấn đề này.

Đồng thời, UBND quận 2 cho rằng việc Bộ TN&MT nhận định UBND quận 2 không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 là chưa xem xét toàn diện, đầy đủ văn bản các quy định vi phạm pháp luật tại thời điểm trên, chưa xem xét đến điều kiện thực tiễn của địa phương theo tinh thần nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 30/2009/TTLT-BXD-BKH ngày 27/8/2009 của Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch- Đầu tư và pháp lý cụ thể của dự án.

Đồng ý kiến nghị này, ngày 23/8/2014 UBND thành phố đã gửi ý kiến đề xuất số 4167 lên Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với nội dung: “Trong vấn đề pháp lý giải quyết vụ việc, các cơ quan có khác nhau trong hiểu và áp dụng quy định pháp luật liên quan đến việc thu hồi tại thời điểm ban hành Quyết định thu hồi đất.

Đồng thời Bộ TN&MT cho rằng quy hoạch chi tiết đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ thu hồi đất có tỷ lệ 1/2000, trong khi UBND quận 2 cho rằng quy hoạch chi tiết đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có tỷ lệ 1/500 (là thiết kế cơ sở được phê duyệt do quy mô dự án nhỏ dưới 2ha) và được xem là tài liệu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 nên đủ điều kiện thu hồi đất.


UBND thành phố gửi ý kiến đề xuất hướng giải quyết có lợi cho chủ dự án và các hộ cư dân lên Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Với các lý giải như vậy, bây giờ vấn đề nằm ở chỗ là làm sao để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho Chủ đầu tư sớm triển khai dự án nên UBND thành phố đề xuất trường hợp nếu các bên không thỏa thuận được việc chuyển nhượng quyền sử dụng 675,7m² đất thì cho phép thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định giá thị trường khu đất trên, đồng thời vận động chủ đầu tư xem xét hỗ trợ thêm cho phù hợp với mục tiêu dự án để giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho hộ gia đình bà Trường, văn bản do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín nêu rõ”.

Chỉ đạo mở hướng xử lý cho cả hai

Đồng ý với quan điểm theo hướng tháo gỡ sự việc cho cả hai bên do UBND thành phố đề xuất, ngày 22/9/2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7379 nêu rõ: “Đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM tại văn bản số 4167 …”.

Từ đây, ngày 11/10/2014, UBND thành phố đã có văn bản số 5251 chỉ đạo UBND quận 2 thực hiện nghiêm túc theo hướng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

 
Văn phòng Chính phủ Đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM về việc cho phép thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định giá thị trường khu đất 675,7m² và vận động chủ đầu tư xem xét hỗ trợ thêm cho phù hợp

Ngoài ra, trong hướng xử lý tại buổi tiếp bà Trường của Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 26/10/2015 tại TP.HCM cũng nêu rõ: “Chủ đầu tư tiếp tục thương lượng thỏa thuận bồi thường phần đất 675,7m². Trong trường hợp hai bên không thống nhất về giá, có thể chọn công ty tư vấn độc lập, đồng thời chủ đầu tư cần cân đối hiệu quả kinh doanh để quyết định mức hỗ trợ thêm phù hợp với mục tiêu dự án”.

Như vậy, sau những lùm xùm tranh chấp, khiếu nại xung quanh việc thu hồi 675,7m² đất để thực hiện dự án Gateway Thảo Điền mà báo chí đã phản ánh thời gian qua tuy còn một số điều cần được nhắc đến, nhưng thiết nghĩ, về tính pháp lý đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ … đã đưa ra hướng xử lý trọn vẹn và có lợi cho cả hai nhằm đảm bảo quyền lợi cho hộ gia đình bà Trường bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho Chủ đầu tư sớm triển khai dự án đã là hết sức hợp lý.

Cần cái kết có hậu!

Dựa vào yếu tố pháp lý trên, phần còn lại là việc thỏa thuận đền bù cho thỏa đáng, có lợi và phù hợp giữa hai bên.

Tiếp xúc với phóng viên, đại diện hộ gia đình bà Trường, Ông Trần Hữu Phú chia sẻ: Trong vụ việc này từ đầu tới giờ, gia đình tôi đã chịu quá nhiều thiệt thòi nhưng vì lợi ích chung chúng tôi đành chấp nhận hy sinh để ngồi lại cùng với chủ đầu tư. Nếu bên chủ dự án đưa ra giá thương lượng bồi thường thỏa đáng chúng tôi sẽ đồng ý chấm dứt khiếu nại vốn đã kéo dài nhiều năm qua.

Mặc khác, ông Phú còn đưa ra hai cơ sở được cho là quan trọng trong việc thỏa thuận giá đền bù đó là: năm 2011 gia đình ông đã từng bán đất nông nghiệp (đất vườn – biền) cho Công ty CP Đầu tư Thảo Điền với giá 37,5 triệu đồng/m² đất. Ngoài ra, tại buổi làm việc với Tổng Thanh tra Chính phủ mới đây, trong phần ý kiến của Thanh tra Thành phố về giá thỏa thuận bồi thường có nêu ra một thông tin đó là năm 2008 Cty Sơn Kim đã từng thỏa thuận bồi thường đất lúa cho một số hộ dân có đất nằm trong dự án với giá từ 30 triệu đồng/m² cho đến 39 triệu đồng/m².

Với hai biểu giá như vậy, chỉ mong Sơn Kim xem xét cho thỏa đáng để việc thương lượng bồi thường được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng cho cả hai. Bởi chúng tôi chỉ quan tâm đến việc “tiền tươi thóc thật”.

Trao đổi với phóng viên Congluan online, Đại diện Công ty Sơn Kim Land cho biết: Chúng tôi luôn cố gắng đưa ra thương lượng đền bù thỏa đáng nhất cho người dân. Hiện với hộ gia đình cô Trường, phương án mới nhất công ty đang hướng đến là quy đổi diện tích đất thành diện tích nhà ở trực thuộc dự án theo tỷ lệ 1m²bằng 0,673m² căn hộ, như vậy tổng diện tích căn hộ nhận được từ việc đổi 675,7m² đất bằng 454,75m2 căn hộ, tương đương với năm căn hộ tại dự án.

Chúng tôi cũng hiểu rằng, hộ cư dân có thể e ngại hoặc gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản căn hộ, nên trong trường hợp hộ cư dân không có ý định tái định cư hoặc lưu giữ tài sản, thì công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ bán hoặc mua lại, đại diện Sơn Kim Land khẳng định.

Như vậy, với hai phương án đưa ra của Chủ đầu tư dự án và hộ gia đình bà Trường có thể dễ dàng nhận thấy tuy chưa cùng quan điểm nhưng nếu cả hai với tinh thần thiện chí, cùng đi đến thống nhất giá thương lượng thì chắc chắn vụ việc sẽ là câu chuyện có hậu.

Nguồn: congluan.vn/xung-quanh-vu-lum-xum-tai-du-gateway-thao-dien-can-cai-ket-co-hau

Latest news